Sắc Xuân Gửi Người Tình

Chương 10: Kết bạn đi



Chủ tịch Hội phụ nữ làm mai cho Trần Mạch Đông cô cháu gái bên ngoại của bà ta, hiện anh đang dẫn cô ta sang làng Hạ Khê đi dạo.

Cô gái kia đi theo anh đã ba phút mà hai người chẳng nói gì với nhau. Cô ta ưng Trần Mạch Đông lắm, chỉ chê mỗi nghề nghiệp của anh. Nhưng cô ta cũng không lo lắng gì, đến lúc yêu đậm sâu đòi anh đổi nghề là được. Dù cô ta làm điều dưỡng nhưng vẫn không chấp nhận nổi chuyện chồng mình là chuyên viên trang điểm thi hài.

Trần Mạch Đông quay sang nhìn cô ta hỏi:

– Em có phiền nếu anh hút thuốc không?

Cô gái kia đỏ ửng mặt, nửa thật nửa đùa vặn lại anh:

– Nếu em thấy phiền thì anh nghỉ hút hả?

Trần Mạch Đông vân vê điếu thuốc gật đầu.

Cô gái kia mừng lắm, bèn bắt chuyện:

– Dì em bảo anh sinh năm 90, còn em sinh năm 93, tức là bọn mình chênh nhau 3 tuổi.

Trần Mạch Đông nhìn cô ta, hỏi:

– Em đi làm mấy năm rồi?

– Dạ 5 năm.

Cô gái kia đáp.

– Em học Trung cấp Y ra, do bệnh viện thành phố yêu cầu cao quá nên em về làm trong bệnh viện thị trấn.

– Đáng lẽ em đút tiền là vào bệnh viện thành phố được, nhưng bố em không nỡ chạy chọt vì nhà em cũng chẳng có điều kiện, hơn nữa em vẫn còn một thằng em nữa.

– Bệnh viện thị trấn cũng tốt mà.

Trần Mạch Đông nói.

– Thế thì phải xem anh định nghĩa thế nào là tốt nữa.

Cô gái kia kể:

– Em có một bà chị làm trong bệnh viện thành phố, tiền thưởng với phúc lợi của thị trấn không bì nổi nơi ấy đâu. Hơn nữa bệnh viện họ nằm ngay đối diện trường học, sau này không cần lo lắng vụ học hành của con cái.

– Em thấy thị trấn mình cũng rất tốt, mỗi tội điều kiện giáo dục và môi trường sống không ổn lắm, sau này sẽ thiệt cho con cái.

Nói xong, cô gái kia nhìn Trần Mạch Đông, do dự giây lát mới hỏi:

– Nghe nói anh có hộ khẩu thành phố ạ?

Trần Mạch Đông gật đầu.

– Nếu anh muốn hút thuốc thì cứ hút đi, em không ghét mùi khói.

Cô gái kia cười nói:

– Ở nhà bố em hút suốt ấy mà.

Trần Mạch Đông bèn lấy thuốc ra châm lửa hút, dõi mắt ngắm cây lê mọc trên sườn núi.

– Đấy anh xem, tuy thị trấn mình cũng thuộc dạng phát triển, người phất lên ngày một nhiều, nhưng em thấy bọn họ toàn là hạng giàu xổi có dân trí thấp, suốt ngày chỉ biết cắm mặt kiếm tiền rồi kèn cựa nhau xem xe ai xịn hơn, nhà ai cao hơn. Anh nhìn dân thành phố đi, cuối tuần họ sẽ dắt con đi viện bảo tàng, nhà hát, thư viện hoặc là đi cắm trại ngắm sao trên bãi cỏ để hòa mình vào thiên nhiên, được sống trong hoàn cảnh như thế thì bọn con nít kiểu gì cũng giỏi.

Nghe vậy, Trần Mạch Đông phì cười, hỏi cô ta:

– Em từng sống ở thành phố à?

Cô gái kia thấy anh có ý khinh mình, bèn hùng hồn nói:

– Tuy em chưa từng đến thành phố làm việc nhưng em biết nếu ở thành phố sẽ được hưởng rất nhiều nguồn lực xã hội mà nơi khác không có, rõ ràng đám người giàu trong thị trấn cũng phải vào thành phố tiêu tiền còn gì.

– Em nói đúng.

Trần Mạch Đông hút thuốc.

Nghĩ mình đã thuyết phục được anh, cô gái kia trộm nhìn anh rồi đánh bạo hỏi:

– Anh thấy em thế nào ạ?

Trần Mạch Đông nghiêm túc ngắm cô gái trước mặt. Đây là một người rất phù hợp để kết hôn và chung sống.

Rồi anh lại nghe cô ta nói:

– Chắc dì em cũng nói anh nghe về điều kiện của em rồi. Nhà em cũng bình thường, không phải lo lắng gì. Em thấy anh không tồi, nếu anh vẫn muốn làm việc tại nhà tang lễ thì em cũng không có ý kiến gì, nhưng anh phải toàn tâm toàn ý đối xử tốt với em đấy.

Trần Mạch Đông không tiếp lời cô ta.

Cô gái kia tưởng anh im lặng thế là ngầm đồng ý, bèn nói tiếp:

– Em cũng đã nghe kể về quá khứ của anh, nhưng con hư hối lỗi quý hơn vàng, ai mà chẳng từng mắc sai lầm.

Cô ta đã hỏi thăm tỉ mỉ về Trần Mạch Đông. Lý do ngày xưa anh lỡ đánh người ta bị thương phải vào trại cải tạo là vì giao du với bạn xấu. Tên kia giật bồ anh, trong lúc đôi bên ẩu đả, anh đã vô tình làm hắn bị thương.

Suy nghĩ của cô ta khác hẳn với mọi người. Qua chuyện ấy, cô ta nhận ra Trần Mạch Đông là một người đàn ông rất nhiệt tình và giàu tinh thần trách nhiệm, vì khi làm người khác bị thương, anh đã không bỏ chạy dù đám bạn đi cùng đều chạy hết. Cô ta rất nể người như vậy, đồng thời ảo tưởng nếu sau này mình gặp chuyện gì thì chắc chắn anh sẽ là người đầu tiên chạy đến.

Hơn nữa trong cái đám ma cà bông năm xưa thì Trần Mạch Đông là người có tương lai nhất. Dù anh làm việc tại nhà tang lễ nhưng đã có biên chế, lại còn có hộ khẩu thành phố. Lúc ở nhà, mẹ cô ta đã ngồi phân tích lợi hại cho cô ta nghe rồi kết luận rằng Trần Mạch Đông là một đối tượng xem mắt rất chất lượng, chí ít là so với điều kiện nhà cô ta. Chuyên viên trang điểm thi hài cũng có làm sao, đời đâu phải chuyện gì cũng được như ý.

Trần Mạch Đông đã mất tập trung từ lâu, anh cứ nghĩ mãi vì sao hễ Trang Khiết mở miệng nói một câu là anh đã thấy ồn ào, đầu óc lập tức choán đầy tiếng cô. Thế mà cô gái này ríu rít cả buổi bên tai anh thì anh lại thấy lòng mình lặng như nước rồi tự dưng hoạt ngôn hẳn lên.

Cô gái kia hỏi anh:

– Anh thấy thế nào?

Trần Mạch Đông chợt nhớ tới câu nói kia của Trang Khiết: Em thích anh, nhưng em thích Thượng Hải hơn.

*

Trang Khiết đang sống như cá gặp nước vì mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió. Cô cầm bữa sáng trên tay, đứng chờ dưới cột đèn giao thông, thấy ngay cả đèn đỏ cũng thuận mắt. Bên kia đường là bệnh viện cô từng hợp tác, năm ấy cô không chốt được đơn hàng này vì thiếu kinh nghiệm nên không hóng được tin cô em vợ của Giám đốc bệnh viện cũ cũng bán thiết bị y tế.

Tối qua có người làm trong bệnh viện báo cho cô biết tháng này thiết bị kia đã gặp trục trặc tận hai lần. Bộ phận hậu mãi kiểm tra mãi vẫn không tìm được nguyên nhân, Giám đốc bệnh viện đã nổi cơn tam bành.

Nếu không phải lúc ấy quá khuya thì Trang Khiết đã tới gặp Giám đốc bệnh viện ngay. Hiện nay ông Giám đốc cũ đã về hưu, mà cô lại quen người tiếp quản chức vụ ấy.

Cô điều chỉnh tâm trạng, vội vàng đi vào bệnh viện, không ngờ dọc đường lại gặp Giám đốc bệnh viện. Thấy cô, ông ta cũng không giận chỉ nói:

– Cô biết tin nhanh thật!

Trang Khiết mỉm cười, theo ông ta vào trong văn phòng, muốn hỏi xem thiết bị gặp vấn đề ở khâu nào nhưng Giám đốc bệnh viện chỉ lo gọi điện xả giận, không đếm xỉa gì đến cô.

Cô thức thời đi ra đóng cửa lại, tới thẳng Khoa thiết bị. Cô tự xem xét thiết bị trước, sau đó gọi điện cho kỹ sư phòng Hậu mãi bên công ty mình thuật lại tình hình chi tiết. Sau một tiếng chờ đợi, đương lúc Trang Khiết và đám nhân viên làm phòng ấy buôn chuyện hăng say thì nhân viên bộ phận hậu mãi tới kiểm tra vấn đề.

Thiết bị này do bệnh viện mua của một nhà máy nhỏ, có giá trị lên tới mấy trăm nghìn tệ nên chắc chắn bệnh viện không dễ dàng chịu thay mới.

Trang Khiết đợi mãi đến tận trưa, đến khi tìm ra vấn đề mới vội vàng rời khỏi bệnh viện. Trên đường đi, cô nhận được điện thoại của Giám đốc bệnh viện hỏi có phải cô tính thả con săn sắt bắt con cá rô không? Rõ ràng có một cơ hội tốt như vậy, sao không chớp lấy để chào bán thiết bị của công ty mình?

Trang Khiết bật cười, nói thiết bị này vẫn dùng được hai năm nữa, đến khi ấy cô sẽ chào hàng sau. Sau cùng còn bồi thêm:

– Cháu đã bảo rồi mà, những loại máy móc như thế nhất định phải mua của công ty đa quốc gia vì khâu hậu mãi của họ tốt lắm…

Cô còn chưa nói hết câu, đầu kia đã dập máy.

Hồi xưa lúc Trang Khiết theo các anh chị trong nghề học mót kinh nghiệm đã lượn khắp các bệnh viện. Từ bệnh viện lớn đến bệnh viện nhỏ, từ bệnh viện công đến bệnh viện tư và cả bệnh viện chuyên khoa, không đâu là cô bỏ sót. Ngày nào cô cũng lượn, dù không bán được hàng thì vẫn tới điểm danh cốt cho người ta nhớ mặt và học thêm ít kiến thức chuyên môn.

Trang Khiết vốn là người tàn tật nên khi tới văn phòng hay phòng bệnh, từ Giám đốc bệnh viện đến điều dưỡng đều không ai nỡ mặt nặng mày nhẹ với cô dù họ vốn không ưa cái nghề của cô.

Trang Khiết lợi dụng điểm này, cộng thêm tính tình cô rất ngay thẳng nhiệt tình, bình thường lại hay giúp đỡ các bộ phận mấy chuyện nhỏ hoặc mua đồ ăn vặt mời họ nên nhìn chung ai ai cũng quý cô.

Hiện cô đang vội vã tới một bệnh viện khác mà cô đã canh me rất lâu. Họ chuẩn bị đổi thiết bị mới, nhưng có nguồn tin tiết lộ bệnh viện này định mua sản phẩm trong nước vì bảo muốn ủng hộ hàng nội địa.

Xui đếch chịu được!

Trang Khiết vừa đi vừa chửi thầm.

Vừa vào bệnh viện, cô đã đụng mặt người trong nghề. Tên kia bán sản phẩm nội địa, đang cười tít mắt nói chuyện với Trưởng khoa. Trang Khiết thấy không ổn chút nào, nhưng để tránh xấu hổ bèn vòng qua họ tới văn phòng Giám đốc bệnh viện.

Giám đốc bệnh viện không ở đó, nghe nói đã đi ăn trưa. Bấy giờ Trang Khiết mới bất giác xem đồng hồ, thấy đã 1 giờ chiều.

Cô có thẻ căn tin của bệnh viện này, bèn xếp hàng mua một món dễ tiêu, vừa ngồi xuống ăn thì một bác sĩ cô quen bê khay cơm tới ngồi chung. 

Sau khi buôn chuyện một lát, anh ta hỏi chuyện làm ăn của cô sao rồi, đoạn đấu tranh tâm lý một phen mới lén tiết lộ cho cô biết:

– Bệnh viện đã đặt mua thiết bị rồi.

Trang Khiết giật nảy mình, nhìn sang anh ta.

Thấy đã nói đủ nhiều, người nọ lảng sang chuyện khác ngay.

Trang Khiết thầm thấy rất cảm kích, khẽ cảm ơn anh ta một tiếng. Người nọ bảo cô đừng nản, chuyện này không phải do năng lực chuyên môn của cô có vấn đề mà vì nguyên nhân khác. Còn nguyên nhân cụ thể thế nào thì hạng tôm tép như anh ta không dám lạm bàn.

Trang Khiết ra khỏi bệnh viện, tới phố thương mại mua một ly đồ uống nóng, vừa uống được một hớp thì cô nhận được tin nhắn Wechat của Vương Tây Hạ bảo mới gửi tổ yến cho cô.

Trang Khiết hỏi bạn kiếm đâu ra?

Vương Tây Hạ nói Từ Thanh Hà cho, rồi kể luôn chuyện hôm đó anh ta bắt gặp cảnh cô ấy đanh đá chửi bới.

Trang Khiết hỏi cô ấy: Thế Từ Thanh Hà phản ứng thế nào?

Vương Tây Hạ nhắn lại: Lão đi đề nghị Ban quản lý dời thùng rác sang chỗ khác.

Trang Khiết gửi một nhãn dán giơ ngón cái, kèm câu khen ngợi: Đỉnh vãi!

Vương Tây Hạ trả lời: Thôi nói chuyện sau nhé, giờ tao phải đi họp, mai có buổi tập huấn.

Trang Khiết không nhắn tiếp mà mở lịch ra xem, thấy cuối tháng mình cũng có một buổi tập huấn.

Trên đường đi tàu điện ngầm về công ty, tự dưng cô lại nhớ tới Trần Mạch Đông, nhưng suy nghĩ ấy chỉ vụt lóe rồi tắt, cô chưa kịp nghĩ nhiều đã nhận được một lời mời kết bạn.

Trang Khiết mở ra xem, thấy người kia để ảnh đại diện là tòa nhà trụ sở công ty, cô không nghĩ ngợi gì mà đồng ý ngay.

Bên kia lập tức gửi tin nhắn: Sao lại xóa Wechat anh?

Sau đó nhắn thêm: Giận à?

Trang Khiết nhìn khung trò chuyện nhưng không hồi âm.

Bên kia lại gửi thêm một tin súc tích dễ hiểu: Quý Đồng.

Trang Khiết nghĩ bụng: Quý Đồng thông minh như thế thì phải biết vì sao cô lại xóa anh ta chứ, không ngờ anh ta lại lấy số khác kết bạn với cô. Quan niệm sống của cô là không bao giờ trở mặt với bất cứ ai, nếu hợp thì làm bạn, mà không hợp thì giữ ở mức bè cũng được.

Lúc trước vừa xóa Quý Đồng là cô hối hận ngay vì sau này hai người vẫn còn dính dáng trong công việc, giữ lại làm bè sẽ tốt hơn.

Đang nghĩ xem nên trả lời thế nào thì màn hình luôn hiển thị bên kia đang nhập tin nhắn, sau đó cô nhận được một tin nhắn thoại dài 60 giây. Cô chưa kịp nghe xong tin đầu thì anh ta đã liên tiếp gửi thêm ba tin nữa.

Trang Khiết nghe từng tin một, đại ý là anh ta muốn cả hai quay lại như xưa, vẫn là cấp trên cấp dưới và bạn thân của nhau.

Trang Khiết chưa từng thấy gã nào thiếu dứt khoát đến vậy. Anh ta mặt dày liệt kê một đống nguyên do đến từ gia đình, bảo bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào anh ta nên có vài chuyện anh ta không thể hứa hẹn với cô được. Nếu cô chịu sang nước ngoài đào tạo sâu hai năm thì có lẽ nhà anh ta sẽ dễ chấp nhận cô hơn.

Nói cũng như không.

Trang Khiết xuống đại một trạm, tìm chỗ yên tĩnh trả lời anh ta: Em hiểu kế hoạch của anh, nhưng xin lỗi, em không có đủ can đảm và cảm giác an toàn để theo anh sang đó. Em không biết sau khi đào tạo sâu hai năm, nhỡ em vẫn không được người nhà anh chấp nhận thì em phải làm sao? Hơn nữa em sẽ không miễn cưỡng thay đổi bản thân vì bất cứ ai, em cảm thấy em của bây giờ rất tuyệt vời. Khoảnh khắc em bày tỏ với anh là em đã nghĩ tới kết cục rồi.

Quý Đồng mãi không trả lời cô.

Trang Khiết đoán anh ta đã dính hơi men, nếu không với tính cách và sự kiêu ngạo của mình, anh ta không đời nào nói ba cái đó với cô.

Cô vừa hút thuốc vừa nhắn cho anh ta: Sau này chúng ta chỉ nên giữ quan hệ đồng nghiệp, còn làm bạn thì khỏi, không hợp đâu. Chào anh nhé.

Quý Đồng vẫn không trả lời.

Lúc Trang Khiết lao ngược gió về đến nhà, Trương Đan Thanh đã nấu một nồi xúp gà đặc chờ sẵn để tỏ lòng cảm ơn cô đã chăm sóc cô ta suốt thời gian qua.

Cô cảm động lắm, trời này mà được ăn vài chén xúp gà thì còn gì tuyệt vời hơn. Cô húp liền ba chén rồi vào nhà vệ sinh xả nước, tính ngâm bồn cho thoải mái. Bồn tắm này cô mua hai năm trước lúc mới dọn tới, vì cô thích tắm bồn.

Trương Đan Thanh dọn bếp xong thì ngồi dưới thảm luyện viết văn, xung quanh cô ta la liệt những bản thảo hỏng. Cô em này vẫn không bỏ được cái tật ưa vứt đồ lung tung.

Hôm nay trời lạnh, Trang Khiết lại đi ngoài đường cả ngày nên ê hết cả người. Cô khoác áo choàng tắm vào, ra uống ngay ly thuốc cảm. Trên đường về, cô đã hắt hơi mấy cái, tám phần là bị cảm rồi.

Thấy Trương Đan Thanh ngồi viết lách, cô bèn mời cô ta uống cà phê. Trương Đan Thanh đáp lại:

– Cảm ơn chị ạ.

Trang Khiết pha một tách cà phê cho cô ta, còn mình thì ôm ly thuốc cảm ngồi trên sô pha. Ngoài trời gió mỗi lúc một lớn, cứ rít vù vù. Cô tiện tay nhặt một tờ bản thảo bị bỏ lên đọc thử rồi khen:

– Viết hay đấy chứ!

– Không đâu ạ, vẫn chưa đủ nghệ.

Trương Đan Thanh đáp.

– Chị thấy hay mà ta.

Đầu óc Trang Khiết đơn giản nên cô thích lời văn huỵch toẹt, chứ tối nghĩa khó hiểu quá cô lười đọc.

Trương Đan Thanh gác bút, chỉ ra bầu trời lộng gió đề nghị:

– Chị, chị thử miêu tả thời tiết bây giờ đi.

– Má nó, gió to quá!



– Chị, chị tả dài hơn đi, gió tháng mấy? Gió ở đâu? To ra làm sao?!

– Cuối thu, ngoài cửa sổ, gió to vãi cả lìn!



– Mặt chị bị gió quất nứt hết trơn rồi.

Trang Khiết uống thuốc cảm, nhờ cô ta lấy hộ miếng mặt nạ.

– Chị à, văn chị sơ sài quá, cứ như tranh thủy mặc ấy.

Trương Đan Thanh đưa mặt nạ cho cô.

– Chị chỉ sơ sài thế thôi, chị thích kiểu văn giống tranh thủy mặc như A Thành ấy. Ông ấy tả rất thực, không màu mè, dùng từ ngữ chuẩn xác thực tế linh hoạt, chỉ khua vài nét ít ỏi đã phác họa được hết bối cảnh, câu hay câu dở bổ sung hoàn hảo cho nhau.

– Chị đúng là… Trung Quốc mình có mấy A Thành đâu chứ?

Trương Đan Thanh ngó gió lộng ngoài cửa sổ, chống cằm nói:

– Em nhớ nhà ghê, em thèm canh gan cá mẹ nấu.

– Thế thì về đi, nhà em gần đây mà.

– Chị, chị có biết mấy vụ chết bất thường không?

Trương Đan Thanh buôn chuyện với cô.

Trang Khiết suy nghĩ một lát rồi kể:

– Lúc thị trấn chị xây tuyến đường sắt cao tốc, có một công nhân bất cẩn rơi vào trụ cầu, bị bê tông lấp kín luôn.

– Trụ cầu là gì?

– Bộ phận đỡ nhịp cầu vượt ấy.

– Không cứu được ạ?

– Chị đã bảo bị lấp kín rồi còn gì.

– Em không thấy ảnh nên không hình dung nổi.

– Em coi phim Melody bản 1971 chưa? Giống hệt cái cảnh nam nữ chính bị đổ bê tông ấy.

Trang Khiết nói xong thì bồi thêm:

– Mà chị cũng hóng tin vỉa hè thôi, em cứ coi như chị chém gió nhá.

Hai người tán dóc đến khi Trương Đan Thanh đi ngủ. Sau đó, Trang Khiết dọn gọn mớ bản thảo dưới sàn, trùm chăn ngồi nghe gió rít bên ngoài, nghĩ bụng: Đến lúc phải mặc áo măng tô nỉ rồi. Nhắc đến áo măng tô nỉ, cô nghĩ nên mua một chiếc dài đến mắt cá chân để chống lạnh.

Cô đang cân nhắc xem có nên mua cả quần giữ nhiệt không thì Liêu Đào gọi tới. Bà bảo ở quê trở trời rồi, lạnh kinh khủng, hỏi Thượng Hải thế nào. Trang Khiết nói vẫn ấm, phải cái gió lớn.

Trang Khiết hay bị đau dây thần kinh ở mỏm cụt, lúc trở trời rất dễ tái phát, khi ấy mỏm cụt cứ nhức nhối không yên. Ngày xưa để giảm bớt cơn đau, cô đã làm phẫu thuật nhưng không loại bỏ tận gốc được. Về sau cô học cách sống chung với lũ, sau khi quen dần thì thấy nó cũng không đến mức không thể chịu đựng được. Ngày xưa lúc nằm viện, cô có quen một người bạn cùng phòng bệnh. Người nọ mắc chứng đau chi ma, bị cái ấy còn hãi hơn vì lúc nào cũng thấy đau.

Lúc ngồi tán dóc với Trương Đan Thanh, cô có thấy đau nhưng giờ hết rồi. Liêu Đào vẫn đang kể liến thoắng, kể bà đã đóng tiền đăng ký khóa học, ngày mai trung tâm sẽ dạy bọn họ cách điều hành shop online.

Trang Khiết bảo tốt quá, bao giờ bà học xong cô sẽ rao trong vòng bạn bè và nhờ người bạn nổi tiếng trên mạng của mình quảng cáo hộ.

Liêu Đào nói ơn nghĩa là thứ khó trả nhất, đừng có bạ đâu nhờ đó như vậy. Trang Khiết luôn miệng bảo con biết rồi, con tự có cách của mình. Bạn bè là quan hệ mày giúp tao, tao giúp mày, mọi người giúp đỡ lẫn nhau.

Liêu Đào thấy cô nói chắc nịch thì không ý kiến gì thêm mà kể nhà xưởng sắp đi vào hoạt động, Hà Chương Dược đi mua gà toàn chọn loại gà thả vườn. Bọn họ tính thuê người nuôi gà trên núi Hình, nhưng không biết thị trấn có tán thành ý tưởng này không.

Trang Khiết nói cứ trả tiền nhận thầu hẳn một miếng đất là được. Nhưng chuyện này không gấp, cô bảo họ cứ làm từng bước một, bao giờ nhà xưởng đi vào hoạt động hẵng tính, rồi nói mình mới gửi ít miếng dán giảm đau về, mẹ bảo chú Hà dán thử lên eo xem sao. Đó là miếng dán do bệnh viện cô nghiên cứu phát minh dành riêng cho người bị đau thắt lưng do quen làm việc nặng.

Sau khi buôn chuyện với mẹ xong, Trang Khiết nhận được một lời mời kết bạn giới thiệu rằng: Tôi là Beckham.

Ảnh đại diện là Beckham mặc com lê đi giày da.



Lúc cô chống gậy đi vào phòng ngủ, người nọ lại gửi thêm một lời mời kết bạn khác ghi: Kết bạn đi.
Chương trước Chương tiếp